THƯ VIỆN
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 1
  • Số lượt truy cập: 3960688
“Sai sót” trong hồ sơ mời thầu
“Sai sót” trong hồ sơ mời thầu Hỏi: Chúng tôi đang đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) cho một gói thầu xây lắp công trình dân dụng. Trong Kế hoạch đấu thầu đã được duyệt có quy định thời gian hoàn thành công trình là 300 ngày, tuy nhiên trong hồ sơ mời thầu (HSMT) do chủ đầu tư duyệt và phát hành lại ghi như sau: Tại phần dữ liệu mời thầu ghi yêu cầu thời gian hoàn thành công trình là 360 ngày, nhưng trong phần dữ liệu hợp đồng lại ghi yêu cầu thời gian hoàn thành công trình là 300 ngày. Đây là một sai sót mà không được phát hiện sớm. Trong các HSDT được đánh giá thì có nhà thầu đề xuất thời gian hoàn thành công trình là 300 ngày, nhưng cũng có nhà thầu đề xuất thời gian hoàn thành công trình là 360 ngày. Xin hỏi phải đánh giá các hồ sơ này như thế nào về tiêu chí thời gian hoàn thành công trình hay xử lý như thế nào đối với tình huống này? Trả lời: Chúng ta đều biết rằng HSMT là căn cứ pháp lý cho nhà thầu chuẩn bị HSDT và cũng là căn cứ pháp lý cho việc đánh giá HSDT để lựa chọn nhà thầu trúng thầu (Khoản 24 Điều 4 Luật Đấu thầu). Nghĩa là cái gì đã nêu, đã công khai trong HSMT thì trong quá trình đánh giá HSDT không được thay đổi (không bổ sung, không bỏ bớt). Để trả lời tình huống của Bạn, xin đưa ra hai trường hợp sau cùng với điều kiện thời gian hoàn thành công trình trong Kế hoạch đấu thầu là 300 ngày: Trường hợp 1. Trong HSMT yêu cầu thời gian hoàn thành công trình là 360 ngày. Các nhà thầu chào 360 ngày cho thời gian thi công là đáp ứng yêu cầu của HSMT. Còn nhà thầu chào thời gian này là 300 ngày thì càng đáp ứng yêu cầu của HSMT. Trường hợp nếu trong tiêu chuẩn đánh giá có áp dụng “giá đánh giá” để đánh giá về lợi thế tiến độ nhanh thì nhà thầu chào thời gian 300 ngày sẽ được tính tới lợi thế này khi xác định giá đánh giá. Còn trong trường hợp không xét tới lợi thế do tiến độ sớm thì cả hai nhà thầu (một chào 300 ngày và một chào 360 ngày) được đánh giá ngang nhau, đều được đánh giá là đáp ứng yêu cầu của HSMT về thời gian hoàn thành công trình. Tuy nhiên, nếu nhà thầu chào 360 ngày được trúng thầu thì trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng đối với nhà thầu này, chủ đầu tư có thể yêu cầu nhà thầu rút ngắn thời gian thi công xuống 300 ngày để phù hợp với Kế hoạch đấu thầu được duyệt nhằm đảm bảo tiến độ chung của Dự án. Nhà thầu có thể thống nhất và giữ nguyên giá dự thầu, nhưng cũng có thể yêu cầu tăng thêm chi phí. Nếu việc thống nhất thực hiện hợp đồng với 300 ngày mà giá hợp đồng không làm vượt giá gói thầu (dự toán) thì mọi việc sẽ ổn. Còn không là phải xử lý tình huống với những phân tích, đề nghị, thẩm định và quy kết trách nhiệm đối với các đối tượng liên quan. Trường hợp 2. Trong HSMT đưa ra thời gian hoàn thành công trình không nhất quán giữa các phần như trong tình huống của Bạn nêu ra. Cụ thể, tại Phần dữ liệu mời thầu (nên sử dụng là trong Bảng dữ liệu đấu thầu) đưa ra yêu cầu thời gian hoàn thành công trình (gọi tắt là thời gian thi công) là 360 ngày, nhưng trong Phần dữ liệu lại ghi thời gian thi công là 300 ngày. Các nhà thầu khi tham dự thầu cũng không có ý kiến về sự mâu thuẫn này tới Bên mời thầu và chào với thời gian thi công khác nhau. Có nhà thầu chào thời gian thi công là 300 ngày (theo yêu cầu nêu ở Phần dữ liệu hợp đồng), có nhà thầu chào thời gian thi công là 360 ngày (theo yêu cầu nêu ở Bảng dữ liệu). Tình huống này sẽ làm tăng tính phức tạp trong việc xử lý. Như phần đầu đã nêu, HSMT là căn cứ pháp lý để dựa vào đó đánh giá HSDT. Do vậy, với HSMT không nhất quán (giữa yêu cầu 360 ngày và 300 ngày) thì dù nhà thầu chào với 300 ngày hay 360 ngày đều được coi là đáp ứng yêu cầu của HSMT (bởi lẽ không có quy định về sự ưu tiên nếu có sự khác biệt giữa Bảng dữ liệu đấu thầu và dữ liệu hợp đồng). Tuy nhiên, vấn đề khó ở đây là căn cứ để xếp hạng nhà thầu. Với các HSDT được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật dù có thời gian thi công là 300 ngày hoặc 360 ngày sẽ được đánh giá về mặt tài chính/thương mại theo tiêu chuẩn đánh giá (nêu trong HSMT) để xếp hạng nhà thầu. Xử lý như nêu trên dẫn đến: a) Nhà thầu đưa ra thời gian thi công 300 ngày sẽ “thiệt” hơn nhà thầu chào 360 ngày. Nhưng nhà thầu phải chấp nhận do đã bỏ qua một quyền lợi nhằm bảo vệ cho sự công bằng giữa các nhà thầu là được quyền nêu thắc mắc để yêu cầu làm rõ HSMT nhằm tạo ra mặt bằng chung cho mọi nhà thầu. b) Có thể nhà thầu đề xuất 360 ngày lại hội đủ điều kiện để được trúng thầu. Khi đó, kết quả đấu thầu là mâu thuẫn với nội dung này trong Kế hoạch đấu thầu, làm chậm tiến độ công trình. Trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nếu Bên mời thầu yêu cầu giảm tiến độ xây dựng từ 360 ngày xuống 300 ngày chắc chắn sẽ phải tăng chi phí cho nhà thầu trúng thầu, thậm chí chi phí để thực hiện trong 300 ngày của nhà thầu trúng thầu còn cao hơn chi phí do nhà thầu khác chào với thời gian 360 ngày không trúng thầu. Điều này dẫn đến thiệt hại cho chủ đầu tư, cho Nhà nước, gây ra nhiều hệ lụy phải xử lý. Tình huống của Bạn là thuộc trường hợp 2 và việc đánh giá phải căn cứ HSMT đã phát hành với yêu cầu về tiến độ xây dựng là không nhất quán. Cũng có thể hy vọng rằng, dù đánh giá theo trường hợp 2, Bạn vẫn chọn được nhà thầu trúng thầu với thời gian thi công là 300 ngày phù hợp với Kế hoạch đấu thầu được duyệt. Đây là may mắn đối với Bên mời thầu vì việc sai sót trong HSMT không dẫn đến hậu quả phải xử lý. Trường hợp ngược lại thì việc xử lý căn cứ vào sự việc cụ thể. Nếu nhà thầu trúng thầu lại rơi vào nhà thầu có thời gian thi công là 360 ngày thì để đạt được hợp đồng với thời gian thi công 300 ngày như nêu trong Kế hoạch đấu thầu có thể sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí cho nhà thầu trúng thầu. Nghĩa là giá hợp đồng với thời gian thi công 300 ngày. Hậu quả này là do HSMT có sai sót về thời gian thi công và do lỗi tắc trách của những người liên quan tới việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt HSMT gây ra. Do đó, căn cứ quy định tại Điều 75 Luật Đấu thầu, những người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm đền bù cho Nhà nước. Tình huống trở nên phức tạp và việc xử lý khó đạt được sự trọn vẹn trong cách giải quyết, gây ra nhiều tranh cãi không cần thiết. Tóm lại, những sơ suất, thiếu sót dù vô tình trong HSMT đều dẫn đến hậu quả khôn lường không chỉ cho chủ đầu tư, bên mời thầu mà cho cả nhà thầu. Bài học về chất lượng HSMT luôn là bài học đắt giá. Chủ đề về HSMT luôn là một chủ đề rộng, khó lường hết các tình huống có thể xảy ra. Cách tốt nhất là nâng cao chất lượng của công tác lập, thẩm định, phê duyệt HSMT, bao gồm cả việc thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ và đúc rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc đấu thầu đối với những vấn đề liên quan tới công tác đấu thầu. Đồng thời, cũng đòi hỏi nhà thầu chịu khó nghiên cứu để phát hiện những bất cập trong HSMT nhằm đảm bảo quyền lợi của chính họ. TS. Nguyễn Việt Hùng