THƯ VIỆN
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 4
  • Số lượt truy cập: 4009269
Chủ đầu tư không ký hợp đồng sau khi thương thảo, hoàn thiện hợp đồng
 
HỎI:
 
Sau khi nhà thầu nhận được quyết định trúng thầu, đã thương thảo và thống nhất với bên mời thầu (BMT)… nhưng vẫn không được chủ đầu tư tiến hành ký hợp đồng. Khi nhà thầu điện thoại thắc mắc về vấn đề này thì được biết, chủ đầu tư đang trình cấp trên thay đổi nguồn vốn đầu tư. Việc làm này của chủ đầu tư có tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu không?
 
ĐÁP:
 
Việc ký kết hợp đồng mà Bạn đề cập là khâu cuối cùng của quá trình lựa chọn nhà thầu được quy định trong Luật Đấu thầu (Điều 4 Khoản 4). Theo đó, trình tự thực hiện đấu thầu được quy định gồm các bước chuẩn bị đấu thầu, tổ chức đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu, thông báo kết quả đấu thầu, thương thảo, hoàn thiện và ký hợp đồng. Mục đích cuối cùng của một cuộc thầu không phải chỉ là có được nhà thầu trúng thầu mà là hợp đồng được ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu để biến gói thầu nằm trong kế hoạch đấu thầu (KHĐT) trở thành hiện thực. Do vậy, Bạn nêu tình huống là nhà thầu trúng thầu đã thương thảo, hoàn thiện hợp đồng xong với BMT mà hợp đồng vẫn không được ký thì thực sự là một việc làm khó hiểu, cần tìm ra lý do để có giải pháp phù hợp.
 
IMG
                                                                    Minh họa: T. Hoàng
 
Trước khi tổ chức đấu thầu thì KHĐT cho gói thầu phải được người có thẩm quyền phê duyệt với nội dung nêu tại Điều 6 Luật Đấu thầu gồm: a) Tên gói thầu; b) Giá gói thầu; c) Nguồn vốn; d) Hình thức lựa chọn nhà thầu, phương thức đấu thầu; đ) Thời gian lựa chọn nhà thầu; e) Hình thức hợp đồng; f) Thời gian thực hiện hợp đồng.
 
Tại Khoản 17 Điều 12 Luật Đấu thầu còn quy định cấm “Tổ chức đấu thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu”.
 
Như vậy trên cơ sở có quyết định đầu tư của dự án (trong đó xác định rõ tổng mức đầu tư, nguồn vốn cho dự án) và KHĐT được duyệt, theo quy định, việc tổ chức đấu thầu (lựa chọn nhà thầu) chỉ được tiến hành khi nguồn vốn cho gói thầu được xác định. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ không có nguồn vốn để triển khai thực hiện gói thầu thì việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trở nên vô nghĩa, không có mục đích. Mặt khác, cần hiểu rằng để chuẩn bị một HSDT đối với một gói thầu quy mô bình thường nhà thầu đã phải chi phí những khoản tiền không nhỏ. Do vậy, quy định về nguồn vốn phải được xác định khi tổ chức đấu thầu là rất có ý nghĩa, nó không chỉ đảm bảo có giải thưởng là hợp đồng cho nhà thầu tham dự mà còn hạn chế bớt việc nợ nần chồng chéo của nhà thầu gây ra những hành động không tích cực trong xã hội.
 
Vậy câu hỏi đặt ra trong tình huống của Bạn là việc không ký hợp đồng với nhà thầu đã qua thương thảo, hoàn thiện hợp đồng là do nguồn vốn bị thay đổi nhưng đó là nguyên nhân khách quan, chấp nhận được hay đây là một hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu. Có 2 trường hợp xảy ra như sau:
 
1) Việc thay đổi nguồn vốn xảy ra trong quá trình đấu thầu
 
Trong trường hợp này, việc tổ chức đấu thầu là phù hợp với quy định đấu thầu. Tuy nhiên, tại thời điểm khi có kết quả đấu thầu hoặc đã qua thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nguồn vốn đột nhiên bị thay đổi,  không được xác định thì việc ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu là không có ý nghĩa. Bởi lẽ nếu hợp đồng đã ký, triển khai thực hiện mà không có nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu thì sẽ gây ra tình trạng nợ đọng vốn đối với nhà thầu, sẽ vi phạm Điều 12 Luật Đấu thầu (như đề cập ở trên).
 
Như vậy, với tình huống này, việc chưa ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu là phù hợp với quy định và cần thiết nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ thái độ, cách ứng xử của BMT/chủ đầu tư đối với nhà thầu đã qua thương thảo, hoàn thiện hợp đồng là cần được bàn luận. Có nhiều cách để nhà thầu cùng chia sẻ với chủ đầu tư/BMT, ví dụ:
 
Chủ đầu tư thông báo tình hình về biến động của nguồn vốn nằm ngoài tầm kiểm soát, rồi từ đó đưa ra những phương án cho nhà thầu lựa chọn:
 
a) Chuyển việc ký hợp đồng sau một thời gian nhất định để nhà thầu có kế hoạch phù hợp nhằm giảm thiểu chi phí cho việc chuẩn bị thực hiện hợp đồng.
 
b) Chấm dứt, không ký hợp đồng nếu như nhà thầu không đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện hợp đồng nếu lùi thời điểm ký hợp đồng. Với tình huống này theo Điều 44 Luật Đấu thầu, Chủ Đầu tư/BMT cần bồi thường chi phí chuẩn bị HSDT nếu nhà thầu nêu yêu cầu. Điều này là dễ hiểu không khác gì việc Bạn gọi điện đến cửa hàng nêu yêu cầu cần mua 1 triệu viên gạch với điều kiện chở tới công trường, nhưng khi xe gạch được chở đến mà Bạn không mua thì ngoài lời xin lỗi, Bạn cần hoàn trả cho người bán hàng chi phí vận chuyển và bốc xếp.
 
Rõ ràng việc giải thích của BMT/chủ đầu tư đối với nhà thầu trúng thầu vì sao không tiến hành ký hợp đồng là một việc làm hết sức cần thiết, gần như là một việc đương nhiên theo lẽ thường. Bởi lẽ BMT qua thông báo trên Báo Đấu thầu với mong muốn có nhiều nhà thầu tham gia đấu thầu, nộp HSDT, vậy khi có những lý do không thể thực hiện theo trình tự lựa chọn nhà thầu thì người tổ chức là BMT/chủ đầu tư cần thông báo, giải thích cho thí sinh (là nhà thầu) tham gia. Mặt khác, việc thực hiện theo trình tự lựa chọn nhà thầu là quy định trong luật để mọi người tuân thủ, nên khi có sự trắc trở, BMT cần báo cáo cấp có thẩm quyền về các giải pháp để sau đó thông báo cho các nhà thầu tham dự chia sẻ và để mọi người nắm được diễn biến của quá trình lựa chọn nhà thầu nếu không nói là để cộng đồng có thể giám sát việc thực hiện của chủ đầu tư/BMT. Đây chính là mục tiêu minh bạch mà Luật Đấu thầu đặt ra.
 
2) Việc thay đổi nguồn vốn hoặc nguồn vốn không xác định ngay trước khi tổ chức đấu thầu:
 
Đối với trường hợp này thì không đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu vì sẽ không có nguồn tiền để thanh toán cho nhà thầu một khi hợp đồng được ký kết và thực hiện, dẫn đến vi phạm Khoản 17 Điều 12 Luật Đấu thầu. Còn vẫn tổ chức đấu thầu trong khi nguồn vốn không xác định rồi lại không ký hợp đồng thì làm cho nhà thầu tốn thời gian và chi phí chuẩn bị HSDT. Khi đó, theo Luật Đấu thầu, tại Điều 61 về quyền và trách nhiệm của chủ Đầu tư và tại Điều 62 về quyền và trách nhiệm của BMT thì chủ đầu tư/BMT theo quy định phải “bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó là do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật” (trong trường hợp của Bạn nêu ra thì các bên liên quan chính là các nhà thầu). Do vậy, theo quy định vừa nêu thì trong trường hợp này chủ đầu tư/ BMT phải hoàn trả các chi phí mà nhà thầu đã bỏ ra để có được HSDT mà BMT đã mở ra, đã đánh giá và đã có kết quả lựa chọn nhà thầu.
 
Tóm lại, khi nguồn vốn thay đổi hoặc không được xác định dù rơi vào trường hợp 1 hoặc 2 nêu trên thì việc ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn đều phải dừng lại. Chỉ có điều, BMT/chủ đầu tư cần thông báo, giải thích về lý do để nhà thầu đã được lựa chọn chia sẻ, cùng tìm ra biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo quyền lợi của cả hai phía. Theo Luật Đấu thầu, trong một cuộc đấu thầu thì chủ đầu tư/BMT cũng như nhà thầu đều là những đối tượng phải thực hiện theo các quy định pháp luật về đấu thầu (Điều 2 Luật Đấu thầu). Do vậy, chủ đầu tư/BMT phải có trách nhiệm đối với các nhà thầu tham dự, nhất là đối với nhà thầu đã được lựa chọn, đã qua thương thảo, hoàn thiện hợp đồng mà lại không ký hợp đồng.
 
Tình huống của Bạn đặt ra sự mong muốn trong ứng xử thỏa đáng của BMT/chủ đầu tư đối với các nhà thầu nói chung và đối với nhà thầu trúng thầu, đã qua thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nói riêng. 
 
Việc trả lời của chủ đầu tư trong tình huống của Bạn với lý do “đang trình cấp trên thay đổi nguồn vốn” là thực sự chưa thỏa đáng, nếu không nói là thiếu trách nhiệm với vai trò là người tổ chức để lựa chọn nhà thầu (tổ chức cuộc thi) đối với các nhà thầu (các thí sinh dự thi). Chỉ trong trường hợp thứ 2 (như nêu trên) xảy ra thì các cấp có thẩm quyền thuộc chủ đầu tư/BMT mới phân tích, mổ xẻ về những vấn đề mà chủ đầu tư/BMT cần lưu ý, rút kinh nghiệm hoặc phải đền bù chi phí cho nhà thầu. Bởi lẽ sự việc mới dừng lại ở chỗ tuy không xác định rõ nguồn vốn đã tổ chức đấu thầu nên gây thiệt hại cho nhà thầu, chứ chưa ký hợp đồng, chưa triển khai thực hiện nên chưa thể “dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu” tức là chưa vi phạm Khoản 17 Điều 12 Luật Đấu thầu. Với tình huống do Bạn nêu ra thì chưa đủ cơ sở kết luận rằng chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Theo Muasamcong