THƯ VIỆN
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 3
  • Số lượt truy cập: 3960601
Đánh giá kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp

Hỏi:

Việc đánh giá kinh nghiệm của nhà thầu tham dự thầu gói thầu xây lắp theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có gì khác biệt so với quy định trước đó và cách đánh giá hợp đồng tương tự đối với nhà thầu tham dự thầu với tư cách độc lập có gì khác so với nhà thầu liên danh? Đề nghị cho ví dụ cụ thể.

 

Trả lời:

Khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (NĐ63) quy định: Việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá HSDT và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu (HSMT), căn cứ vào HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

IMG

Đối với một gói thầu xây lắp, trong HSMT yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành tối thiểu 3 hợp đồng xây lắp có tính chất kỹ thuật tương tự gói thầu đang xét. Ảnh: Lê Tiên

Tại Điều 18 của NĐ63 quy định về đánh giá HSDT đối với gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, trong đó có quy định về các bước đánh giá HSDT: (1) Kiểm tra tính hợp lệ của HSDT; (2) Đánh giá tính hợp lệ của HSDT; (3) Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm; (4) Đánh giá về kỹ thuật và giá; (5) Xếp hạng nhà thầu.

Theo trình tự các bước đánh giá HSDT, về nguyên tắc, nhà thầu được đánh giá đáp ứng tại Bước (3) thì mới được chuyển sang đánh giá tại Bước (4). Do đó, để tránh trường hợp nhà thầu sơ xuất khi chuẩn bị HSDT dẫn đến bị loại một cách đáng tiếc, tại Điều 16 của NĐ63 cũng đã quy định mở hơn so với Nghị định số 85/2009/NĐ-CP theo hướng: (i) sau khi đóng thầu, nếu nhà thầu phát hiện HSDT thiếu các tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm thì được phép gửi bổ sung tài liệu đến bên mời thầu để làm rõ về năng lực và kinh nghiệm của mình; (ii) sau khi mở thầu, trường hợp HSDT của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc làm rõ HSDT đều phải đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu. 

Đề cập đến tiêu chuẩn cụ thể cũng như hướng dẫn về cách đánh giá kinh nghiệm của nhà thầu độc lập/liên danh tham dự thầu gói thầu xây lắp, Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT đã hướng dẫn tương đối rõ (Điểm 4 Khoản 2.1 Mục 2 Chương III). So với hướng dẫn nêu trong các Mẫu HSMT trước đây, trong Mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm theo TT03 không yêu cầu nhà thầu phải có ‘‘kinh nghiệm chung về thi công xây dựng”, mà chỉ yêu cầu nhà thầu phải đáp ứng tiêu chí ‘‘kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp”. 

Cụ thể, HSMT phải nêu rõ số lượng tối thiểu các hợp đồng tương tự mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ trong vòng một số năm nhất định để được đánh giá đạt về kinh nghiệm thực hiện gói thầu đang xét. Trong đó, khái niệm về hợp đồng tương tự được hướng dẫn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu mới thành lập nhưng có năng lực, kinh nghiệm tốt. Theo đó, tại ghi chú số 10 của Khoản 2.1 nêu trên hướng dẫn rõ: Hợp đồng tương tự là hợp đồng đã thực hiện toàn bộ, trong đó công việc xây lắp có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét, bao gồm: tương tự về bản chất và độ phức tạp; tương tự về quy mô công việc. “Tương tự về quy mô công việc” được hiểu là “có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét”. Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị phần công việc xây lắp của hợp đồng trong khoảng 50% - 70% giá trị phần công việc xây lắp của gói thầu đang xét, đồng thời vẫn phải yêu cầu nhà thầu bảo đảm có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với hạng mục chính của gói thầu.

Trong thực tế thời gian qua, bản thân tổ chuyên gia, bên mời thầu và nhiều nhà thầu lúng túng trong cách tính hợp đồng xây lắp có quy mô tương tự theo hướng dẫn tại Mẫu HSMT xây lắp mới. Hiểu một cách đơn giản thì nhà thầu được đánh giá là đáp ứng về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về quy mô khi thỏa mãn 1 trong 3 trường hợp sau, trong đó ví dụ số lượng hợp đồng tương tự theo yêu cầu của HSMT là N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là V:

(1) Số lượng hợp đồng = N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu = V, như vậy tổng giá trị các hợp đồng tương tự là X = NxV;

(2) Số lượng hợp đồng ít hơn N, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu = V và tổng giá trị tất cả hợp đồng tương tự >= X;

(3) Một hợp đồng có giá trị tối thiểu = V và tổng giá trị tất cả hợp đồng tương tự >= X.  

Như vậy, theo hướng dẫn trên, trường hợp (1) rất thông dụng, dễ hiểu, dễ tính nhưng trong thực tế chưa tạo thuận lợi cho nhà thầu mới, đối với hai trường hợp còn lại được hiểu là nếu trong HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ hai hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu một hợp đồng với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét; quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải bảo đảm các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét.

Ví dụ đối với một gói thầu xây lắp, trong HSMT yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành tối thiểu 3 hợp đồng xây lắp có tính chất kỹ thuật tương tự gói thầu đang xét, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu 7 tỷ đồng thì nhà thầu (có tư cách độc lập) được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự nếu: 

- Đã hoàn thành 1 hợp đồng có tính chất kỹ thuật tương tự với gói thầu đang xét, có giá trị tối thiểu 21 tỷ đồng.

- Đã hoàn thành nhiều hơn 1 hợp đồng có tính chất kỹ thuật tương tự với gói thầu đang xét, trong đó ít nhất 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 7 tỷ đồng và tổng giá trị các công trình tương tự không thấp hơn 21 tỷ đồng.

Đối với nhà thầu liên danh, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của thành viên trong liên danh phải căn cứ vào phần công việc mà thành viên đó đảm nhận. Với ví dụ nêu trên trong trường hợp nhà thầu với tư cách là liên danh gồm 2 thành viên, mỗi thành viên đảm nhận thực hiện 50% giá trị gói thầu thì từng thành viên liên danh được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tượng tự nếu:

- Từng thành viên trong liên danh đã hoàn thành 1 hợp đồng có tính chất kỹ thuật tương tự với gói thầu đang xét, có giá trị tối thiểu là 10,5 tỷ đồng.

- Từng thành viên trong liên danh thực hiện nhiều hơn 1 hợp đồng có tính chất kỹ thuật tương tự với gói thầu, trong đó ít nhất có 1 hợp đồng có giá trị tối thiểu là 3,5 tỷ đồng và tổng giá trị các công trình tương tự của mỗi thành viên không thấp hơn 10,5 tỷ đồng. 

Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu.(theo Báo Đấu Thầu)