THƯ VIỆN
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 9
  • Số lượt truy cập: 3990886
Hợp đồng - Cơ sở pháp lý quan trọng nhất
Chuyên mục "Hỏi đáp về đấu thầu" có nhận được các câu hỏi của Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; bạn Bùi Văn Vĩnh (địa chỉ hòm thư là buivinhdt@yahoo.com) và bạn Hà Nguyễn Thảo (địa chỉ hòm thư là thaohadt@yahoo.com.vn) liên quan đến câu chuyện chủ đầu tư ký hợp đồng trọn gói với nhà thầu. Do công tác giải phóng mặt bằng chậm nên chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, trong Hợp đồng lại không quy định tính phát sinh khi chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng và cũng không quy định cách xác định chi phí trượt giá nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thi công và các chi phí khác có liên quan đến việc chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
 
Hỏi: Trong trường hợp này, có được điều chỉnh giá hợp đồng do trượt giá nguyên, nhiên vật liệu và do Nhà nước thay đổi chế độ tiền lương hay không?
 
Trả lời: Khoản 31 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định: "Hợp đồng là văn bản ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu được lựa chọn trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên nhưng phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu". 
 
Và theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 thì "Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc trong hoạt động xây dựng". 
 
Như vậy, sau khi đấu thầu, hợp đồng là văn bản pháp lý quan trọng gắn kết, ràng buộc trách nhiệm giữa nhà thầu và chủ đầu tư, cả về trách nhiệm thực hiện hợp đồng lẫn trách nhiệm thanh toán. 
 
Việc xử lý tình huống nêu trên liên quan đến hình thức hợp đồng trọn gói. Khoản 2 Điều 49 Luật Đấu thầu quy định đối với hình thức hợp đồng trọn gói và quy định đối với hợp đồng trọn gói là "Giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu bằng đúng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng". 
 
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP quy định nguyên tắc thanh toán đối với hình thức hợp đồng trọn gói là "Giá hợp đồng không được điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận trong hợp đồng (là những tình huống thực tiễn xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng lường trước của chủ đầu tư, nhà thầu, không liên quan đến sai phạm hoặc sơ suất của chủ đầu tư, nhà thầu, như: chiến tranh, bạo loạn, đình công, hỏa hoạn, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, cách ly do kiểm dịch, cấm vận). Việc thanh toán được thực hiện nhiều lần hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu cho đến khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng. Trường hợp bất khả kháng thì thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng (nếu có)". 
 
Trở lại tình huống nêu trên với vấn đề chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công thì cần phải xác định nguyên nhân của sự việc. Có hai khả năng xảy ra như sau:
 
 Thứ nhất, đây là nguyên nhân khách quan, thuộc về trường hợp bất khả kháng (tất nhiên là phải chứng minh được việc chậm bàn giao mặt bằng này không phải do phía chủ đầu tư). Và theo Điểm a Khoản 1 Điều 48 Nghị định 85/2009/NĐ-CP thì khi trường hợp bất khả kháng xảy ra sẽ giải quyết sự việc theo thỏa thuận nêu trong hợp đồng. Trong trường hợp trên, hợp đồng lại không đề cập đến vấn đề này vì hợp đồng là trọn gói nên nhà thầu sẽ phải chịu mọi chi phí phát sinh do chậm có mặt bằng để thi công; nhưng chỉ được thanh toán bằng số tiền ghi trong hợp đồng.
 
Thứ hai, nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng là do lỗi chủ quan của chủ đầu tư. Khi sự việc này xảy ra thì phía chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đền bù chi phí phát sinh do chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, còn đền bù như thế nào thì căn cứ theo các điều khoản đã nêu trong hợp đồng và theo sự thỏa thuận của hai bên. Đối với trường hợp nêu trên, do trong hợp đồng không đề cập đến việc phát sinh chi phí khi chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng nên nhà thầu sẽ không có cơ sở pháp lý để “bắt đền” chủ đầu tư. Nghĩa  là nhà thầu vẫn phải thực hiện mọi nghĩa vụ trong hợp đồng với giá trọn gói như đã ký.
 
Về nguyên tắc, hợp đồng trọn gói là giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, nói nôm na là theo hình thức hợp đồng này thì nhà thầu phải “lời ăn, lỗ chịu”. Cho nên, trước khi đặt bút ký hợp đồng, nhà thầu phải hết sức cân nhắc, tính toán cẩn thận để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện. Trong tình huống nêu trên, do các điều khoản hợp đồng lỏng lẻo, không chặt chẽ nên việc bàn giao mặt bằng chậm (dù cho nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh hợp đồng), giá của hợp đồng và trách nhiệm của nhà thầu vẫn không thay đổi. Và kết quả là trong trường hợp này, nhà thầu phải gánh chịu nhiều thiệt hại ngoài mong muốn.
 
Câu chuyện nói trên cũng là một bài học đáng nhớ cho cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư khi xây dựng và thực hiện hợp đồng. Hợp đồng là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư sau đấu thầu. Chính vì vậy, mọi điều khoản trong hợp đồng phải được quy định cụ thể, chặt chẽ, chi tiết làm cơ sở để thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan trong suốt quá trình triển khai hợp đồng. Đó cũng chính là biện pháp chia sẻ rủi ro giúp các bên giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Cũng như người xưa vẫn nhắc nhở rằng "bút sa thì gà chết", nên hợp đồng đã ký với các điều khoản đã có thì cứ như thế mà thực hiện. Thậm chí có đưa sự việc ra tòa án thì cũng vậy thôi. 
 
Hiện nay, tình trạng đơn giản trong việc hình thành, ký kết hợp đồng xây dựng là khá phổ biến. Trong hợp đồng thiếu các quy định cụ thể ràng buộc trách nhiệm giữa các bên nên thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Các công trình xây dựng thường kéo dài, có nhiều nội dung không lường hết khi ký hợp đồng nếu không có các chế tài, các quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể trong hợp đồng thì các bên ký hợp đồng không có cơ sở pháp lý để gắn trách nhiệm của mỗi bên. Chẳng những thế, sự tranh chấp hợp đồng kéo theo tiến độ thi công kéo dài, gây thiệt hại cho cả chủ đầu tư (đại diện cho Nhà nước) và cả nhà thầu.
 
Chính vì vậy, việc xây dựng hợp đồng chặt chẽ, chi tiết, quy định cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan (nhà thầu và chủ đầu tư) là hết sức quan trọng và cần thiết. Đó là công cụ, cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề phát sinh, là động lực để chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như sự ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau giữa các bên liên quan trong hợp đồng. 
 
Cũng cần nói thêm rằng, tại Khoản 1 Điều 49 Luật Đấu thầu quy định: "Hình thức trọn gói được áp dụng cho những phần công việc được xác định rõ về số lượng, khối lượng". Thành thử, điều kiện để áp dụng một hình thức hợp đồng nào đó lại là vấn đề quan trọng. Tại Điều 53 Luật Đấu thầu còn cho phép nhiều hợp đồng bộ phận trong một hợp đồng chung để việc xử lý là linh hoạt trong thực hiện. Đối với gói thầu xây lắp với những khối lượng trong lòng đất là khó xác định thì hợp đồng trọn gói trong xây lắp có lẽ là không đủ điều kiện để áp dụng. Phải chăng, đây cũng là một vấn đề gốc rễ của sự việc và cần được điều chỉnh trong nhận thức của chủ đầu tư và nhà thầu.

Theo Muasamcong