THƯ VIỆN
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 4
  • Số lượt truy cập: 3990767
So sánh hồ sơ dự thầu
Hỏi:
 
Trong một cuộc đấu thầu rộng rãi, nhà thầu X chào sản phẩm tốt, giá cạnh tranh hơn nhà thầu Y, nhưng hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu X lại không đáp ứng tốt bằng nhà thầu Y. Vậy chọn nhà thầu nào trúng thầu?
 
Trả lời: 
 
Việc đánh giá HSDT là để so sánh, xếp hạng HSDT và xác định nhà thầu trúng thầu trên cơ sở đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong quá trình đánh giá HSDT. Nhằm đạt được mục tiêu này, trong Luật Đấu thầu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 (Luật số 38/2009/QH12), Nghị định 85/2009/NĐ-CP và Mẫu HSMT có quy định một số nội dung sau:
 
1. Về tiêu chuẩn đánh giá (TCĐG) các HSDT:
 
Theo quy định, phương pháp đánh giá HSDT phải được thể hiện thông qua TCĐG trong HSMT và phải sử dụng TCĐG như sau:
 
a) Đối với gói dịch vụ tư vấn thì TCĐG HSDT chỉ được sử dụng thang điểm và đưa ra yêu cầu điểm tối thiểu, thông thường không được yêu cầu thấp hơn 70% tổng số điểm về mặt kỹ thuật, còn trong trường hợp yêu cầu kỹ thuật cao thì mức yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật không thấp hơn 80% tổng điểm.
 
b) Đối với gói mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói EPC thì TCĐG gồm:
 
- TCĐG về năng lực và kinh nghiệm: sử dụng tiêu chí “đạt/không đạt”, nghĩa là đưa ra mức yêu cầu tối thiểu nào đó (phù hợp với yêu cầu của gói thầu) rồi căn cứ vào thông tin do nhà thầu cung cấp để đánh giá, nếu đáp ứng hoặc tốt hơn mức yêu cầu tối thiểu thì được đánh giá là “đạt”, trường hợp ngược lại là “không đạt”.
 
- TCĐG về mặt kỹ thuật: Được sử dụng hai cách:
 
+ Cách 1: Sử dụng thang điểm (100, 1.000...) như TCĐG đối với gói dịch vụ tư vấn.
+ Cách 2: Sử dụng tiêu chí “đạt/không đạt” như TCĐG về năng lực và kinh nghiệm nêu trên.
 
- TCĐG về tài chính, thương mại để so sánh, xếp hạng các HSDT: sử dụng giá đánh giá. Giá này dựa trên cơ sở giá dự thầu của nhà thầu sau khi tiến hành sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có) rồi đưa về một mặt bằng chung cho các HSDT (mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại).
 
2. Trình tự đánh giá HSDT
 
Trong trường hợp là gói thầu mua sắm hàng hóa (không phải là gói quy mô nhỏ) thì theo Điều 35 Luật Đấu thầu và khoản 9 Điều 2 Luật số 38/2009/QH12 thì việc đánh giá HSDT thực hiện theo trình tự sau:
 
a) Đánh giá sơ bộ: Đánh giá theo điều kiện tiên quyết, theo yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm trong HSMT.
 
b) Đánh giá chi tiết: Nhà thầu nào vượt qua đánh giá sơ bộ sẽ được đánh giá chi tiết, cụ thể:
 
- Đánh giá về mặt kỹ thuật theo TCĐG.
- Đánh giá về mặt tài chính/thương mại để xác định giá đánh giá.
 
Như vậy, chỉ những HSDT vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật mới được xác định giá đánh giá trên một mặt bằng theo TCĐG trong HSMT. Nhưng để được xác định giá đánh giá thì HSDT không được vi phạm quy định về sửa lỗi (trong đó có lỗi số học), về hiệu chỉnh sai lệch (được quy định tại Điều 45 Luật Đấu thầu). Nhà thầu được xếp hạng theo giá đánh giá và nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp hạng 1. Điều này nói lên rằng HSDT này mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng xếp thứ 1 về giá đánh giá mới là điều kiện cần, còn để được đề nghị trúng thầu thì nhà thầu này cần có thêm điều kiện đủ là phải có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu.
 
Trở lại tình huống của Bạn, các HSDT của nhà thầu X, nhà thầu Y phải được đánh giá theo trình tự nêu trên và theo TCĐG đã có trong HSMT. Các HSDT được chủ đầu tư phê duyệt là đáp ứng về mặt kỹ thuật thì mới được đánh giá tiếp về mặt tài chính/thương mại. Không có khái niệm đáp ứng tốt hơn, có sản phẩm tốt hơn bởi lẽ nó thiếu định lượng. Qua thông tin của Bạn có thể hiểu rằng hai nhà thầu X và nhà thầu Y đều đáp ứng yêu cầu của HSMT về mặt kỹ thuật. Việc xếp hạng giữa hai nhà thầu này không phải chỉ căn cứ vào giá dự thầu mà dựa trên cơ sở giá đánh giá (nghĩa là xét tới những lợi thế, bất lợi của HSDT này với HSDT khác). Nếu nhà thầu X có giá đánh giá thấp hơn của nhà thầu Y thì đương nhiên nhà thầu X phải được xếp thứ 1. 
 
Trong đấu thầu có nhiều loại giá khác nhau (giá gói thầu, giá dự thầu, giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, giá đánh giá...). Do vậy, “giá cạnh tranh” của nhà thầu X trong tình huống của Bạn là không đủ rõ. Nếu đó là giá dự thầu thì cũng chưa nói lên điều gì bởi vì trong quá trình đánh giá HSDT, giá dự thầu sẽ thay đổi (tăng lên hoặc giảm xuống theo việc sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch). Cuối cùng, giá đánh giá mới là cơ sở để quyết định thứ hạng của nhà thầu. Nhà thầu X chào sản phẩm tốt thì phải hiểu rằng sự tốt đó là mang lại lợi ích cho chủ đầu tư (thông qua giá đánh giá của nhà thầu này thấp hơn các nhà thầu khác). Đã là sản phẩm tốt thì chắc là phải vượt qua đánh giá về mặt kỹ thuật. Nếu đủ các điều kiện như vậy thì nhà thầu X là nhà thầu được đề nghị trúng thầu nếu giá đề nghị trúng thầu của nhà thầu này không vượt giá gói thầu.
 
Tóm lại, việc đánh giá HSDT để so sánh, xếp hạng không thể chỉ dựa vào cảm tính mà cần được mổ xẻ thông qua các yêu cầu của HSMT và TCĐG trong HSMT. Có như vậy mới đảm bảo được mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

Theo MSC