
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên: Vốn tăng đột biến Do phải điều chỉnh quy mô dự án ở một số hạng mục cộng thêm trượt giá về chi phí nguyên nhiên, vật liệu tăng so với dự kiến ban đầu. Vì vậy tổng mức đầu tư dự án của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM phải đội vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Vốn tăng hơn 30.000 tỷ đồng Ngày 28/8/2012, UBND TP.HCM đã tổ chức khởi công tuyến metro số 1 Bến Thành -Suối Tiên (metro số 1), đây là tuyến metro đầu tiên ở Việt Nam. Dự án được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng Việt Nam, do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, hai nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) và Cienco 6 thực hiện thi công.
Tuyến metro số 1 sau khi hoàn thành sẽ kéo giảm ùn tắc giao thông và được kỳ vọng sẽ mở ra một chặng đường mới tạo tiền đề rất quan trọng trong việc thực hiện các tuyến metro kế tiếp, góp phần từng bước hiện đại mạng lưới giao thông TP. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được duyệt (thời điểm 2007) là gần 17.400 tỷ đồng (tương đương gần 1,1 tỷ USD). Nhưng sau khi tính toán lại tăng lên hơn 47.235 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỉ USD) vì trượt giá và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách đến năm 2040. Sự biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu, tỷ giá, các chi phí dự phòng, rủi ro, trượt giá đến năm 2019... khiến vốn công trình này tăng cao. Cụ thể như: chi phí dự phòng thay đổi từ 10% lên 15% (theo quy định mới) khiến phần này tăng 123%; lãi vay tăng 117%; do chi phí xây lắp tăng hay phần trượt giá tăng đến 574%, thay đổi tỷ giá tăng 145,6%... Cũng theo UBND TP, tại thời điểm lập thiết kế làm rõ thiết kế cơ sở vào năm 2009, chủ đầu tư đã yêu cầu Tư vấn nghiên cứu bổ sung nhiều hạng mục công trình tiện ích để bảo đảm xây dựng công trình tương đối hiện đại, đáp ứng nhu cầu cho đến năm 2040 (thay vì 2020), nhất là phải bảo đảm độ an toàn chạy tàu cao nhất có thể. Những thay đổi này đã được sự thống nhất của Bộ GTVT và được đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm là CPG-SMRT (Singapore) thẩm tra, đánh giá phù hợp, đạt yêu cầu. Điều chỉnh lại quy mô dự án Lý giải về việc phải điều chỉnh dự án khiến vốn tăng cao, UBND TP cho biết: Dự án được nghiên cứu lập tại thời điểm năm 2006, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang được xây dựng ở khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ... cùng thời điểm năm 2006. Mặt khác năm mục tiêu thiết kế ban đầu của dự án tính đến năm 2020 cũng đã cho thấy tầm nhìn hạn chế của việc nghiên cứu trước đây. Khi tính toán lại tổng mức đầu tư mới, một số cơ sở số liệu đã được áp dụng theo quy định mới của Chính phủ và Nhà tài trợ, có nhiều thay đổi so với cơ sở đã được áp dụng vào năm 2006. Cụ thể như: Theo UBND TP việc thiếu kinh nghiệm thực tế, nên các tính toán cũng chỉ dừng lại ở mức bình quân của một tuyến xe điện, mà chưa chú trọng đầy đủ đến vấn đề an toàn cao hay xây dựng trung tâm điều khiển chung cho cả hệ thống đường sắt đô thị, tổ chức một đơn vị vận hành, bảo dưỡng... Tuyến metro số 1, dài 19,7km (đi qua các quận 1, Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức, TP.HCM và huyện Dĩ An-Bình Dương). Một số gói thầu hiện đang triển khai thi công, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018. Theo Boxaydung |