TIN TỨC  Ôi, văn minh cầu vượt!
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 5
  • Số lượt truy cập: 3997740
Ôi, văn minh cầu vượt!
Dường như hiệu quả của việc giảm ùn tắc khi 2 cây cầu vượt nhẹ được thông xe cũng là điều bất ngờ đối với giới quan chức TP Hà Nội.

Chỉ hơn một tuần sau lễ thông xe, lãnh đạo UBND TP Hà Nội không giấu được sự phấn khích liên tiếp đề ra kế hoạch xây dựng hàng loạt các cây cầu vượt nhẹ khác tại các ngã tư thường xuyên ùn tắc. Chưa có bao giờ, việc đầu tư hạ tầng giao thông được quyết nhanh đến như vậy. Cụ thể: Chiều 11/5, cây cầu vượt nhẹ thứ 4 bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư: Láng Hạ - Lê Văn Lương. Cầu rộng 9m (2 làn ôtô, 2 làn xe máy) được thiết kế kết cấu nhịp dầm thép, kết hợp bê tông cốt thép. Tổng trọng lượng dầm thép của công trình lên đến trên 1 nghìn tấn. Dự kiến, cầu khánh thành ngày 10/10, đúng dịp kỷ niệm 58 năm giải phóng Thủ đô. Trước đó, ngày 8/5, một cầu vượt nhẹ lắp ghép bằng thép lớn nhất Hà Nội tại nút giao đường Láng - Trần Duy Hưng cũng đã được chính thức khởi công.

Ngoài ra, Sở GTVT phấn đấu khởi công xây dựng vào cuối tháng 6/2012 một loạt cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai - Lê Thanh Nghị… Như vậy, theo tiến độ, hết năm nay Hà Nội sẽ có thêm ba cầu vượt lắp ghép hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Theo đà phát triển đó quy hoạch xây dựng từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ tại các nút: Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Bắc Thăng Thăng Long - Nam Đồng, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ và cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã - Liễu Giai, đường 69 - Phạm Văn Đồng…

Ở khía cạnh kinh tế, những cây cầu vượt nhẹ thực sự có quá nhiều ưu điểm nổi trội không cần bàn cãi nữa: chi phí thấp, thời gian thi công nhanh, hiệu quả trông thấy… Nhưng xét dưới góc nhìn đô thị thì quả thực sự hiện diện của những cây cầu vượt nhẹ vẫn có cái gì đó không được thuận cho lắm! Nếu nói theo ngôn ngữ của giới chuyên môn thì việc xây dựng các cây cầu vượt nhẹ sẽ là một trong những nguy cơ phá vỡ kiến trúc của TP. Sự hiện diện nhanh đến bất ngờ của cây cầu khiến ngay cả công dân đang sinh sống và làm việc giữa lòng Thủ đô còn ngỡ ngàng và khó tin huống hồ những người đi xa Hà Nội hoặc lữ khách lâu lâu mới về với Hà Nội.

Những cây cầu kết cấu thép dẫu được gọi là nhẹ nhưng mức độ hoành tráng cũng chả kém gì những cây cầu vượt bê tông cốt thép hàng nghìn tỷ Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở là bao. Hàng trăm ngôi nhà mặt tiền đẹp đẽ và lộng lẫy bỗng chìm nghỉm, lọt thỏm trong chớp mắt khi những cây cầu vắt ngang những ngã tư rộng và đông đúc của TP. Những cửa hàng ngày ngày phủ bụi dày hơn, những mặt tiền trong thoáng chốc mất giá hàng chục triệu đ/tháng vì không còn “đắc địa” như trước nữa. Tất nhiên, những thiệt thòi đó thuộc về cá thể quá nhỏ so với cộng đồng xã hội to lớn. Nhưng một khi không phải là 2 ngã tư mà gần chục ngã tư vắt vẻo những cây cầu vượt nhẹ thế bộ mặt Hà Nội mới thực sự là… khó tả! Có vị tiến sĩ còn phát hiện ra rằng cảnh quan kiến trúc của 2 ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc và Láng - Huỳnh Thúc Kháng là hoàn toàn khác nhau, nhưng 2 cầu vượt vừa được thông xe lại được thiết kế y chang nhau (chỉ khác nhau về tổng mức đầu tư, do yếu tố địa chất, xử lý kết cấu móng). Và rồi đây, nếu cứ “bổn cũ soạn lại”, liệu Hà Nội có một cầu vượt nào khác với nét kiến trúc riêng không? Đâu là bản sắc văn hóa, kiến trúc thủ đô văn minh, hiện đại với sự hiện diện nhan nhản những cây cầu vượt chất liệu, quy mô, thiết kế y chang nhau với dòng xe cộ nườm nượp nối đuôi nhau suốt đêm ngày? Thôi thì nếu không xét đến yếu tố mỹ quan đô thị vào lúc yêu cầu giao thông cấp bách như thế này nhưng cũng cầu mong các vị quan chức TP sáng suốt đừng coi đây là “cứu cánh” giải quyết mọi nguyên nhân gây ùn tắc. Xin hãy nhớ, cầu vượt nhẹ chỉ là công trình tạm và những gì là tạm thì đều cần xác định thời gian sử dụng, đừng quyết định ẩu để thế hệ kế cận lại hao tiền tốn sức giải quyết hậu quả của một tầm nhìn ngắn tư duy ấu trĩ

Theo Baoxaydung