TIN TỨC  Huy động 23.000 tỉ đồng xây cầu, làm đường
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 9
  • Số lượt truy cập: 4008250
Huy động 23.000 tỉ đồng xây cầu, làm đường
UBND TPHCM đồng ý về chủ trương cho đầu tư trước 2 dự án cấp nước với tổng vốn 10.000 tỉ đồng.

Trước những khó khăn của TP khi huy động vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, liên danh Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) - Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) đã lập đề án huy động vốn đầu tư cho 6 dự án với số vốn lên đến 23.000 tỉ đồng. Trong lúc ngân sách eo hẹp, đây được xem là động thái chia sẻ gánh nặng của doanh nghiệp đối với Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng TP.

“Ngắm” vào các dự án cấp bách 

Sáu dự án nằm trong đề án huy động vốn đầu tư, tạm gọi là “Đề án 23.000 tỉ đồng”, gồm: Dự án chuyển nhượng trước hạn quyền quản lý và thu phí cầu Phú Mỹ; đầu tư mạng lưới phân phối nước khu vực 4, 5, 6 của TPHCM; xây dựng mới cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai Đông và đường nối vào nút giao Bình Thái; dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2; dự án xây dựng nút giao thông Thủ Đức và đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng về TPHCM.


Cầu đường Bình Triệu 2 là một trong 6 dự án giao thông cấp bách của TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo đề án mà liên danh HFIC - CII xây dựng, CII sẽ bỏ ra 2.000 tỉ đồng để xây cầu và làm đường cho dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc mới trên đường Vành đai Đông và đường nối vào nút giao Bình Thái (khoảng 4.000 tỉ đồng), phần tiền này sẽ được ngân sách trả chậm trong 5 năm. Phía HFIC phát hành trái phiếu công trình thời hạn 10 năm để “gom” về 2.000 tỉ đồng làm công tác giải phóng mặt bằng.

Ngân sách sẽ hoàn trả số tiền trên bằng cách đấu giá các khu đất có liên quan. Nếu “thuận buồm xuôi gió”, đến cuối năm 2014, TP sẽ có cầu Rạch Chiếc mới và đường nối đến nút giao Bình Thái.

Trước đây, nhiều cuộc họp được tổ chức để tìm lối ra cho dự án cầu đường Bình Triệu 2 nhưng các bên liên quan vẫn bế tắc vì không tìm được hơn 5.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng.

Trong “Đề án 23.000 tỉ đồng”, HFIC cho biết sẽ phát hành trái phiếu công trình để huy động 5.700 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, phía CII chuẩn bị khoảng 1.400 tỉ đồng để thi công dự án. Một dự án nữa cũng được liên danh này ngắm đến là dự án xây dựng nút giao thông ngã tư Thủ Đức. Liên danh HFIC - CII sẽ chi 400 tỉ đồng để làm hầm chui Thủ Đức sau khi xây dựng xong 2 đường song hành hai bên. 

Đầu tư trước hai dự án nước

Nhận thấy cần thiết phải đầu tư nhanh các dự án hạ tầng giao thông, trước đây Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu cơ chế để thu hút nhà đầu tư, chẳng hạn đổi đất lấy hạ tầng, giảm thuế, trả chậm, lãi suất thấp… Vì vậy, bên cạnh “Đề án 23.000 tỉ đồng” của liên danh HFIC - CII, TP sẽ vẫn xem xét các khả năng trên để làm sao nhanh chóng có được những cây cầu, những con đường huyết mạch.

Bên cạnh việc cân nhắc, lựa chọn hình thức đầu tư cho các dự án hạ tầng nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng đồng ý về chủ trương nghiên cứu dự án đầu tư mạng phân phối nước khu vực 4, 5, 6 (gồm quận 2, 4, 6, 7, 8, 9, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) và dự án đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng về TPHCM.
Cả hai dự án này có tổng vốn khoảng 10.000 tỉ đồng. Theo liên danh HFIC - CII, tỉ lệ thất thoát nước của khu vực 4, 5, 6 lên đến 37%, trong đó 90% thiệt hại là do rò rỉ. Liên danh dự kiến đưa tỉ lệ thất thoát nước xuống còn 15%, lắp thêm 600 km đường ống mới và cung cấp 100% nước sạch cho người dân khu vực này vào năm 2025.
Hiện tại, nguồn nước trên sông Sài Gòn đang xấu đi rất nhanh vì ô nhiễm, thế nên việc đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng về TPHCM là rất cấp thiết, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của KCN  Đức Hòa 3 (Long An), khu đô thị công nghiệp Trảng Bàng (Tây Ninh), khu đô thị Tây Bắc (TPHCM). Sau khi được UBND TP chấp thuận về chủ trương, liên danh HFIC - CII sẽ nhanh chóng nghiên cứu chi tiết dự án và tiến hành các thủ tục đầu tư. 

Ai sẽ thu phí cầu Phú Mỹ?

Riêng dự án chuyển nhượng trước hạn quyền quản lý và thu phí cầu Phú Mỹ, trước đây, CII đã được các sở, ngành “nhắm” đến để làm nhiệm vụ thu phí cầu Phú Mỹ sau khi UBND TP nhận lại cây cầu này từ Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ. Do UBND TP chưa thống nhất tổng mức đầu tư và phương án tài chính khi nhận lại cầu Phú Mỹ nên liên danh HFIC - CII tạm thời chưa đưa dự án này vào “Đề án 23.000 tỉ đồng”. Khi nào UBND TP yêu cầu, liên danh HFIC - CII sẽ nghiên cứu các phương án huy động vốn.

 

Theo Cauduongcang