TIN TỨC  Tư vấn thiết kế trăm ngàn rủi ro
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 6
  • Số lượt truy cập: 3981658
Tư vấn thiết kế trăm ngàn rủi ro

 (Xây dựng) - Chi phí thiết kế ở Việt Nam thấp, việc tăng là cần thiết. Tuy nhiên, mấu chốt của thiết kế phí hiện nay không ở vấn đề đang thấp, cần tính nâng lên thêm bao nhiêu phần trăm, bao tiền cho một mét vuông? Quan trọng là thực tế, người thiết kế được bao nhiêu trong số % đó. Và, điều này phải được cân nhắc trong tổng hòa các điều kiện kinh tế - xã hội. Cần xử lý gốc rễ của vấn đề, không nên làm theo phương cách “dập dịch”.


Kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội.

Vốn ngân sách… cứ làm đi rồi tính

Với những công trình sử dụng vốn ngân sách, phí tư vấn thiết kế 100% là dựa trên định mức sàn và thường thì rất khó để thỏa thuận mức thiết kế trên sàn. Gần như 100% các chủ đầu tư yêu cầu: “Ông cứ làm đi”. Nhưng nếu ngân sách bị cắt, chủ đầu tư nói năm nay không có vốn thì phải chịu. Thế là mất không!

Một rủi ro nữa, liên quan tới những phần việc như lập kế hoạch, lên quyết toán công trình. Lẽ ra đơn vị chủ đầu tư phải làm, nhưng họ lại đang đẩy phần việc này qua bên nhà thiết kế. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, ai cũng muốn có việc để làm, vậy nên gần như mọi người đều chấp nhận rủi ro. Đơn cử như 15 trường học ở huyện ngoại thành Hà Nội vừa qua, tư vấn chúng tôi vẫn làm dù chưa ký hợp đồng.

Nhà tư vấn thiết kế thường rất kỳ vọng vào việc đó, làm phương án quy hoạch cho 15 trường, sau khi duyệt thông qua, chủ đầu tư giao thiết kế kỹ thuật thi công 5 trường (10 trường chia sẻ cho tư vấn khác do chủ đầu tư yêu cầu), gửi lên rồi nói không có vốn trong năm nay, khi nào có thì làm, không có thì thôi. Vậy là đành chờ. Đó cũng là một rủi ro phổ biến.

Đúng ra, việc lên kế hoạch, ghi vốn đầu năm, trách nhiệm đó thuộc về các ban quản lý dự án, quận huyện, tỉnh thành phố. Sau đó họ phải đưa một phương án sơ bộ và khái toán mức đầu tư, khi được duyệt và có kế hoạch vốn rồi mới gọi các nhà tư vấn đến và ký hợp đồng tạm ứng tiền và triển khai thực hiện.

Nhưng, hiện nay vốn ngân sách không làm như thế, các nhà thiết kế đều (bị) o bế, chăm sóc chủ đầu tư, thậm chí nhiều nơi chủ đầu tư còn đẩy việc chạy vốn cho nhà tư vấn. Ông thiết kế phải đi lo vốn này, ông thi công phải đi lo vốn kia…

Với lượng việc có hạn, người ta chấp nhận bỏ công sức, chi phí đi lại để mong rằng, khi thực hiện được nhận làm. Còn, nếu chủ đầu tư không ký thì cũng “không làm gì được”. Biết bao công sức, đâu chỉ đơn thuần là làm bản vẽ, lên phương án. Có hợp đồng đôi khi còn không đòi được tiền, huống chi không có hợp đồng. Rõ ràng, tư vấn lúc nào cũng như con thoi, chạy đua giữa tìm việc – xin vốn – và quyết toán.

Hiện nay, Bộ Xây dựng muốn kéo gần hơn thiết kế phí giữa tư vấn thiết kế trong và ngoài nước. Thực chất, nếu tất cả những rủi ro trên được giảm thiểu bằng chế tài, bằng hình thức này hình thức kia thì có lẽ, không cần nâng giá thiết kế phí, với cách tính hiện tại, nhà tư vấn vẫn có quyền sống khỏe!


Kiến trúc hiện đại Bảo tàng Đăk Lăk.

Ngoài ngân sách… được 50%

Với vốn ngoài ngân sách, chỉ khoảng 50% là thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Nhiều chủ đầu tư, sau khi ký hợp đồng, tạm ứng rất đàng hoàng. Đến khi nộp bài cũng chỉ tạm ứng tối đa 50%. Và, tiếp đó là các chiêu bắt nhà thiết kế phải giảm hơn so với giá sàn để trừ vào những chi phí khác. Tất nhiên, với những công trình loại này, nhà tư vấn cũng chịu rủi do không kém. Sau khi hoàn thành, nhiều chủ đầu tư không thanh toán với trăm ngàn lý do: không có tiền, hoặc không đầu tư làm tiếp… Thế nhưng, rất có thể là vài năm sau họ vẫn làm, vẫn sử dụng sản phẩm đó của mình.

Ký hợp đồng với chủ đầu tư khá tên tuổi là Cty CP tập đoàn BRG, thực hiện cách đây 5 năm. Hợp đồng thanh lý từ năm 2009, biên bản hồ sơ đã bàn giao và thanh toán được 50%. Sau đó làm rất nhiều công văn giấy tờ, đi lại mất thời gian đòi tiền để rồi nhận được câu trả lời: Không thể thanh toán tiếp. Một trường hợp khác là Cty cp Đại việt Trí tuệ, cũng chỉ thanh toán 50% giá trị hợp đồng sau khi đã nhận đủ sản phẩm tư vấn, hơn mười công văn đòi tiền gửi đi nhưng chúng tôi cũng không nhận được hồi âm bằng văn bản! Gọi điện cho giám đốc được trả lời 1 câu xanh rờn : “thôi không nói lý với tình nữa, bây giờ chúng tôi không có tiền, khó khăn lắm, khi nào có sẽ thanh toán”. Chẳng lẽ vác đơn đi kiện? Lại mất công mời luật sư, mất tiền theo kiện, mất thời gian…

Như vậy, kể cả mình có thắng kiện cũng chưa chắc đã bõ công so với việc dành thời gian cho dự án mới. Đó là chưa kể, nhiều chủ đầu tư, trong quá trình làm dự án có sự thay đổi về nhân sự. Sếp mới lên lập tức đổi phương án, tư vấn lại phải lóc cóc theo để thực hiện xong hợp đồng. Vì thế, nhiều đơn vị chấp nhận ký lại chỉ bằng 40% – 50% giá trị hợp đồng, để được nhận tiền tươi thóc thật. Bình thường, nhân công (người trực tiếp thực hiện hợp đồng) chỉ chiếm khoảng 28 – 35% giá trị hợp đồng. Khi chấp nhận ký giá thấp để có việc, lại thêm rủi ro do chỉ được thu về 50%, như vậy phí nhân công chỉ còn khoảng 15%. Thế nhưng, KTS vẫn phải sống. Học nghề thì phải làm nghề, người làm nghề đành chấp nhận vô điều kiện với những rủi ro đó. Trung bình, phí tư vấn hiện đang ở mức khoảng 2 – 3,5% nhưng thực chất chỉ 1/3 số đó đến được tay nhà tư vấn. Trước những rủi ro đó, phí thiết kế nên nâng lên bao nhiêu cho vừa?


Kiến trúc hiện đại khu ĐTM Phú Mỹ Hưng – TP HCM do các KTS nước ngoài thiết kế.

Và, tiền ít thì phải làm nhiều!

Khi mức thiết kế phí thấp, người tư vấn vẫn phải tìm cách sống. Vì vậy, không còn cách nào khác là phải tăng lượng đồ án, tăng lượng công việc lên. Chất lượng thiết kế đương nhiên giảm đi. Bản chất của vấn đề này rất giống với việc trả lương cho công chức nhà nước hiện nay. Nếu được trả lương đủ mức sống, chắc chắn họ sẽ chuyên tâm làm việc tốt, không phải lo làm thêm, xoay xở cho đủ.

Mấu chốt của thiết kế phí hiện nay không chỉ ở vấn đề đang thấp. Quan trọng là người thiết kế được bao nhiêu trong số % đó. Và, cái mấu chốt ấy phải được cân nhắc trong tổng hòa các điều kiện kinh tế xã hội, chứ không phải bàn hôm nay, rồi ngày mai lại thay đổi theo trượt giá. Cần xử lý gốc rễ của vấn đề, không nên làm theo phương cách “dập dịch”. Chính vì vậy, khi xây dựng thiết kế phí cần xây dựng dựa trên việc người làm nghề sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm. Đây là bài toán của xã hội, phải được xử lý đồng bộ để dần đưa vấn đề vào khuôn khổ.

Thiết kế phí tại nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển, luôn ổn định. Đó là nhờ những quy định được dựa trên nền tảng kinh tế xã hội. Đây là vấn đề ai cũng hiểu, nhưng chưa mấy ai lên tiếng. Trong giai đoạn này, lời khuyên cho chủ đầu tư là phải tìm đến những nhà tư vấn giỏi, để có thể bước qua giai đoạn nhiễu nhương vàng thau lẫn lộn. Còn với các kiến trúc sư, nếu muốn nhận mức thiết kế xứng đáng hơn, cao hơn, thì cần phải trau dồi, tự nâng cao trình độ ngang bằng các nhà tư vấn nước ngoài.

Cơ bản vẫn là cần có chế tài tốt. Cũng không cần thiết phải giữ 10% cho phần giám sát tác giả vì các công trình thường có thời gian thi công rất dài thậm chí dừng giữa chừng không thể bàn giao đưa vào sử dụng. Nhiều công trình như Nhà hát Lớn, chợ Đồng Xuân, đến giờ này vẫn chưa quyết toán được. Biết làm thế nào? Biết kêu ai? Về nguyên tắc, khi đã bàn giao hồ sơ, việc xây dựng hay không là tùy ở chủ đầu tư, còn tiền thì vẫn phải thanh toán.

Nếu đổ hết rủi ro lên vai nhà tư vấn, đời sống của đội ngũ này sẽ thấp và chất lượng khó mà tốt được. Chưa nói đến việc cắt vốn, trượt giá vì thanh toán chậm, hoặc chủ đầu tư ký hợp đồng với đơn vị khác… có tới hàng trăm ngàn thứ rủi ro. Khi chúng ta tính phí thiết kế có tính tất cả những chi phí đó hay không?

KTS Lê Việt Sơn/TCKTVN