TIN TỨC  Thời gian lựa chọn nhà thầu dài hay ngắn phụ thuộc nhiều vào người thực hiện
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
 Tư vấn công trình:

Tư vấn 1

Tư vấn 02
 Kinh doanh:

Sales 01

Sales 02
 Hotline: 0989 072 766
02839 212 757
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Online: 3
  • Số lượt truy cập: 3982303
Thời gian lựa chọn nhà thầu dài hay ngắn phụ thuộc nhiều vào người thực hiện

 Một số ý kiến cho rằng, thời gian lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu còn dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Nhưng từ thực tiễn đấu thầu tại Việt Nam và đối chiếu thông lệ quốc tế cho thấy, quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu tại pháp luật hiện hành là phù hợp để vừa tạo thuận lợi cho nhà thầu, cải cách thủ tục hành chính, vừa đảm bảo tính minh bạch, công khai, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước thông qua công tác này.

IMG

Căn cứ quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể, Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đã có những quy định về thời gian lựa chọn nhà thầu phù hợp

 Ảnh: Lê Tiên

 
Phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế
Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (Luật Đấu thầu 2013) đã được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu 2013 và Khoản 2 Điều 64 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (NĐ 63). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quy định về thời gian lựa chọn nhà thầu được xây dựng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, cải cách thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, kế thừa các quy định đã được áp dụng ổn định tại Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của các nhà tài trợ (Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản). 
Căn cứ quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể, Luật Đấu thầu 2013, NĐ 63 đã có những quy định về thời gian lựa chọn nhà thầu phù hợp. Ví dụ, đối với những gói thầu quy mô nhỏ, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) tối đa là 25 ngày; đối với những gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày; đối với gói thầu lớn, phức tạp, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế.
 
Bộ KH&ĐT cũng cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó khung thời gian trong đấu thầu của Việt Nam tương tự với Hiệp định, một số khoảng thời gian của quy định Việt Nam còn ngắn hơn so với Hiệp định (thời gian chuẩn bị hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm).
 
Đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất, Luật Đấu thầu 2013 quy định, trường hợp lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được lựa chọn thì doanh nghiệp dự án (nhà đầu tư) phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp dự án trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Với quy định này, việc nhà đầu tư tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2013. Nhà đầu tư hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn nhà thầu, có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu mà không bắt buộc phải đấu thầu rộng rãi; không phải tuân thủ theo các mốc thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu quy định tại Luật Đấu thầu 2013 và NĐ 63.
 
IMG
Việc lựa chọn nhà thầu nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào mong muốn, năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp của cán bộ làm công tác đấu thầu và tính chất, độ phức tạp của gói thầu, số lượng nhà thầu tham gia 
Ảnh: Nhã Chi
 
Thời gian lựa chọn nhà thầu dài hay ngắn phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người
Các mốc thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu quy định tại Luật Đấu thầu 2013 bao gồm 2 nhóm: mốc thời gian tối thiểu và mốc thời gian tối đa. Trong đó, chỉ có 2 mốc thời gian tối thiểu là thời gian đăng tải thông báo mời thầu/thông báo mời chào hàng và thời gian chuẩn bị HSDT/hồ sơ đề xuất. Với các quy định về thời gian tối thiểu, chủ đầu tư không thể rút ngắn được nhằm đảm bảo tính công khai, công bằng trong đấu thầu. Các mốc thời gian còn lại là quy định mức tối đa, như: thời gian đánh giá HSDT/hồ sơ đề xuất, thời gian thẩm định, thời gian phê duyệt HSDT/hồ sơ đề xuất,… thì việc thực hiện nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào mong muốn, năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp của cán bộ làm công tác đấu thầu và tính chất, độ phức tạp của gói thầu, số lượng nhà thầu tham gia nhiều hay ít...
Một chuyên gia đấu thầu chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu rằng, chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu chủ yếu là do năng lực và ý muốn chủ quan, tính chuyên nghiệp và ý thức tuân thủ luật pháp của người thực thi, không phải do quy định của pháp luật về đấu thầu. Do đó, để rút ngắn thời gian trong lựa chọn nhà thầu, điều cần thiết là nâng cao năng lực, chất lượng cán bộ tham gia công tác đấu thầu, để việc tổ chức đấu thầu được nhanh, gọn, chất lượng, nhất là trong điều kiện quy định về đấu thầu đã phân cấp rất mạnh cho chủ đầu tư, thì thời gian trong lựa chọn nhà thầu phụ thuộc rất nhiều vào chính chủ đầu tư.
 
Một số cơ quan kiến nghị rằng, sự chậm trễ của nhiều dự án hiện nay là do quy định thời gian cho các bước trong quy trình đấu thầu quá dài. Đồng thời, cũng có đơn vị nêu ý kiến hoàn toàn ngược lại, đó là một số mốc thời gian như thời gian tối đa để đánh giá HSDT còn có thể không đủ đối với gói thầu phức tạp có nhiều nhà thầu tham gia. Nghĩa là, cùng một khoảng thời gian, nhưng ý kiến từ những người thực hiện khác nhau, những gói thầu khác nhau là không thống nhất. Người nói ngắn, người kêu dài… Thế nên, suy cho cùng, thời gian ngắn hay dài phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người.

Thông qua công tác kiểm tra, tổng hợp báo cáo hoạt động đấu thầu trên phạm vi toàn quốc, Bộ KH&ĐT nhận thấy, nhiều chủ đầu tư đã thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu với thời gian ngắn hơn mức tối đa mà Luật Đấu thầu 2013 cho phép (thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu quy định trong Luật tối đa là 20 ngày nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư đã hoàn thành thẩm định trong khoảng thời gian chỉ từ 5 đến 7 ngày). Hầu hết các đơn vị không phản ánh vướng mắc nào về thời gian thực hiện lựa chọn nhà thầu. 
 
Thực tiễn, phóng viên Báo Đấu thầu cũng đã gặp rất nhiều trường hợp chủ đầu tư, thậm chí là chủ đầu tư không chuyên, rút ngắn đáng kể thời gian lựa chọn nhà thầu so với quy định. Nhiều ban quản lý dự án có năng lực và tính chuyên nghiệp cao còn chia sẻ có thể đánh giá HSDT trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng trên dưới 1 tuần, mà không nhất thiết phải cần hết 45 ngày. Tất nhiên, cũng không nên chạy theo tiến độ thời gian mà bỏ qua chất lượng đánh giá, hay có thái độ tắc trách, hình thức, vì chất lượng đấu thầu là điều quan trọng hơn thời gian.
 
Cũng có một thực tiễn là đôi khi thời gian trong lựa chọn nhà thầu bị chủ đầu tư cố tình trì hoãn, kéo dài. Ví dụ như, việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trong nhiều trường hợp có thể chỉ vài ba ngày, nhưng vì nhiều lý do không chính đáng (như có xung đột lợi ích với “nhà thầu ruột” hoặc muốn bóp méo kết quả để “nhà thầu ruột” trúng thầu…), người thực hiện chần chừ kéo dài đến hàng tháng tìm cách xử lý. Nhiều chủ đầu tư cố tình trì hoãn không thực hiện đấu thầu rồi viện cớ vì lý do cấp bách, việc triển khai thực hiện dự án không thể lùi hơn được nữa, nếu theo đúng thời gian trong đấu thầu rộng rãi sẽ bị chậm, để thực hiện chỉ định thầu. Một số người có nhiệm vụ lại sợ trách nhiệm hoặc không đủ năng lực nên không dám quyết định, đùn đẩy lên cấp trên, chuyển qua chuyển lại cho cấp dưới, rồi ngồi đợi và đến khi gói thầu vì lý do nào đó bị chậm thì phản ánh rằng Luật quy định thời gian quá dài!
 
Bên cạnh đó, cũng có một số chủ đầu tư do năng lực, trình độ còn hạn chế nên chưa thực hiện theo đúng thời gian quy định. Bộ KH&ĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc để bảo đảm thực hiện theo đúng thời gian quy định.(Theo báo đấu thầu)